The Japan Life

Giao lưu giúp mọi người tìm hiểu về Nhật Bản (日本文化又は日本人日常生活習慣などの知識を高める交流場)

Người Nhật Bản qua một góc nhìn

1 bình luận


Kỷ luật và tự trọng, cũng nhờ đó mà người Nhật Bản đã thành công khi đưa đất nước trở thành một quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh trên thế giới. Và có lẽ, đó cũng là một nét văn hóa rất riêng trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật Bản. Nhưng với người Việt ở đây, cuộc sống lạnh lùng là những gì họ sợ nhất…


Ở Nhật Bản hiện có khoảng 40 nghìn người Việt đang sinh sống. Cách đây khoảng 5-10 năm, con số này là 60-80 nghìn người, nhưng cuộc sống quá hà khắc đã khiến nhiều người Việt phải “khăn gói” ra đi. Tuy nhiên, có những người chấp nhận ở lại, vì không mấy nơi có điều kiện sống trong lành, tiện nghi như ở Nhật Bản. Hơn nữa, chế độ đãi ngộ của các công ty dành cho nhân viên đủ để không ai nghĩ đến chuyện thay đổi chỗ làm việc. Một người làm công ở Nhật thường được công ty đài thọ từ tiền ăn, chi phí đi lại, bảo hiểm, cùng với mức thu nhập đủ để người đó có thể nuôi gia đình. Người Việt ở Nhật Bản cũng làm đủ nghề, với sinh viên thì làm thêm ở các nhà hàng, hay bán hàng, còn những người khác làm công nhân, kỹ sư, hướng dẫn viên du lịch… Về vật chất, người Việt ở Nhật tương đối đủ đầy, mức lương trung bình của một người là 3.000-4.000 USD, nhưng thứ thiếu của họ là những “món ăn” tinh thần, tình cảm giữa những người thân trong gia đình, hay đơn giản hơn là giữa những người bạn.
Công viên của Nhật Bản rực rỡ sắc hoa Anh đào.
Công viên của Nhật Bản rực rỡ sắc hoa Anh đào.
Trong nhóm bạn gần 20 người của tôi ở Nhật Bản có tới 10 người kết hôn với các cô gái Nhật. Nếu hai người Việt lấy nhau, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn và không có nhiều điều đáng nói, còn nếu lập gia đình với một người Nhật, cho dù là đàn ông hay phụ nữ, cuộc sống sẽ hoàn toàn thay đổi. Họ nói vui, câu nói của các cụ ngày xưa đã khiến họ “nuôi” một hình ảnh khá đẹp về những cô gái Nhật từ khi họ còn chưa đặt chân đến nước này: “Ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật, ở nhà Tây”. Nhưng khi được hỏi họ cảm thấy thế nào, tôi nhận được cả 10 câu trả lời giống nhau: Buồn lắm! Người ta nói không gian sống và hoàn cảnh tạo nên tính cách con người kể cũng đúng. 70% phụ nữ Nhật không đi làm sau khi kết hôn. Không phải họ không được đi làm như tôi vẫn thường nghĩ trước đó, mà họ không có điều kiện đi làm sau khi sinh con khi chi phí để thuê người giúp việc quá đắt. 30% phụ nữ còn lại là những người không kết hôn hay có kết hôn nhưng cam kết không sinh con, số rất ít còn lại có thể đi làm. Khi đó, những chi phí cho cuộc sống hoàn toàn dựa vào người chồng. Quanh quẩn với cuộc sống của một người nội trợ, phụ nữ ở Nhật quên mất một “món ăn tinh thần” rất đỗi bình thường trong cuộc sống hàng ngày, đó là thói quen chia sẻ. Thực tế, một người đàn ông Nhật có thể đi làm suốt cả tháng không về mà không liên lạc với vợ, đương nhiên, người vợ cũng không cảm thấy cần thiết phải gọi điện hỏi thăm chồng. Cuộc sống vợ chồng ở Nhật có phần lạnh lùng, nhạt nhẽo, nhưng ít ai ly hôn, bởi thế cả 10 người đàn ông Việt Nam lấy vợ Nhật Bản kia cứ tiếp tục sống, tiếp tục quen mà không ai nhắc đến hai chữ “ly hôn”. Tôi cũng được biết hầu hết những người Việt cho dù là phụ nữ hay đàn ông lập gia đình ở đất nước này đều chấp nhận cuộc sống như vậy mà không kêu ca, không nghĩ đến việc sẽ bỏ chồng, bỏ vợ. Có lẽ, trong mỗi con người Nhật Bản luôn có chữ “sĩ diện”, nên ly hôn là một nỗi e ngại, họ sợ hình ảnh bị xấu đi trong mắt những người xung quanh, và suy nghĩ này cũng không loại trừ với những người Việt đã ở Nhật nhiều năm…
Trong những điều cần biết về Nhật Bản nếu search trên Google, bạn sẽ được hàng trăm kết quả, nhưng có một trong những đúc kết rất chung, đó là: “Có những người mặc comple, thắt cà vạt rất lịch sự, tay xách cặp đi làm nhưng ra công viên ngồi cả ngày. Họ là những người thất nghiệp mà không muốn mất mặt với gia đình”. Người Nhật quá sĩ diện, đến mức họ luôn sợ người khác nhìn mình với ánh mắt thương hại nếu không may người đó mất việc làm. Những người bạn tôi kể rằng, có những ngày họ được về nhà sớm (khoảng 5 giờ chiều) sau nhiều tuần lễ “cày cuốc” 15-16 giờ/ngày, nhưng khi trở về, người vợ không vui và có yêu cầu chồng hôm sau nếu vẫn được về sớm thì nên ra công viên ngồi vì sợ hàng xóm “nhìn vào”. Điều này cũng lý giải tại sao người vợ Nhật Bản không nghĩ đến việc liên lạc với chồng trong suốt cả tháng người chồng đi vắng, với họ, chồng đi làm tức là có vị trí, có thu nhập để họ có thể ngẩng cao đầu với những người xung quanh. Để “giết” thời gian rảnh rỗi khi được công ty cho phép nghỉ ngơi, nhiều người Việt, cũng như đa số đàn ông Nhật Bản tìm đến các cửa hàng chơi game, đi câu cá, uống rượu, hoặc đơn giản là ra công viên ngồi cho hết một ngày và trở về nhà vào lúc 11 giờ đêm, giờ thông thường của một ngày làm việc.Song, có lẽ cái gì cũng có hai mặt, có tốt và xấu, bởi vậy, những người Việt không chỉ có nỗi buồn, hay luôn phải đối mặt với sự cô đơn, mà họ đã biết tìm niềm vui, để cuộc sống hàng ngày không chỉ là sự chấp nhận, mà là đón nhận. Trong một bức thư gửi một người bạn mà anh bạn Nhật Bản cho tôi xem thấy đầy ắp sự lạc quan: Cuộc sống của em sau từng đấy năm vất vả, đã dần tốt trong hai năm nay. Tuy cuộc sống ở Nhật Bản rất đắt đỏ, nhưng bây giờ em đã có thể tự tin và ngẩng cao đầu, vì thu nhập của em cao gần gấp đôi công dân Nhật Bản làm hành chính, mặc dù có vất vả. Hơn nữa, em cũng đã tự cho phép mình hưởng thụ những thú vui cần thiết, không phải tiết kiệm như trước đây hay dè sẻn như người bản xứ. Vì vậy, cứ nhớ nhà, nhớ gia đình ở Việt Nam, em bay về mà chẳng quan tâm đến việc có tốn kém không…Mỗi con người sinh ra đều có tính thích nghi, dù cuộc sống có lạnh lùng, hà khắc và phép tắc đến thế nào, họ vẫn có thể hòa nhập… Thế nhưng, tôi phải thừa nhận có những cái rất được của đất nước Nhật Bản mà không phải quốc gia nào cũng có. Đó là một quốc gia mà sự phân biệt giàu – nghèo rất ít, bởi nếu đi đến các khu trung tâm mua sắm hay khu thương mại, bạn khó có thể phân biệt đâu là người giàu, đại gia, hay đâu là những người dân lao động bình thường. Khi bước chân vào một nhà hàng cũng vậy, nếu nhìn vào, ta cũng không thể biết đâu là người giàu có, hay người có mức sống trung bình. Còn về phương tiện sống, người Nhật Bản được hưởng thụ những gì gần như tốt nhất, đường sá sạch sẽ, phương tiện đi lại hiện đại, an toàn. Và đáng nói hơn, đó là một nước Nhật với những con đường hầm xuyên biển dài hàng vài chục kilômét được tính toán kỹ lưỡng để sau 10 năm vẫn có thể mở rộng. Một đất nước rất ít người bị béo phì khi chế độ ăn của họ được tính toán cẩn thận để có thể vừa bảo đảm chất dinh dưỡng mà không gây thừa đạm và mỗi bữa ăn, mọi thứ được bày biện như một bức tranh đủ màu sắc, đúng là người Nhật ăn bằng mắt, chứ không chỉ bằng miệng. Hay kỳ lạ hơn đó là một đất nước mà nếu không may bị ngộ độc thức ăn lại được coi là một may mắn trong đời của người dân hay khách du lịch, vì người đó sẽ được đền bù rất nhiều tiền, cộng với việc quán ăn đó có nguy cơ phải đóng cửa.

Tôi vẫn nghĩ, trong cuộc đời có được và mất, và trong mỗi lựa chọn hai yếu tố này luôn song hành, quan trọng là người ta chấp nhận và đón nhận gì mà thôi. Cuộc sống hạnh phúc hay không tùy thuộc vào cảm nhận và sự thích nghi của mỗi cá thể, cảm giác hạnh phúc hay không nằm ở chính suy nghĩ của mỗi người, nhưng đúng là người ta vẫn thường nói, người ta thường thèm khát những gì mình không có mà thôi, nhưng khi có được rồi, người ta lại khát khao những thứ mới mẻ hơn…

1 thoughts on “Người Nhật Bản qua một góc nhìn

  1. https://www.facebook.com/profile.php?id=100001655006973&fref=ufi
    Người viết mới qua Nhật, chưa am hiểu về tính cách và con người nên bài viết còn nhiều chỗ, theo mình nghĩ không chính xác. Ví dụ, không nói to thì đó là phép lịch sự chứ không phải là vì mệt mỏi hay lạnh lùng. Mình cũng không thích nói to và cũng không thích ngồi gần 1 người nói to, kể cả người nhật mà nói to hay mở nhạc to thì mình thấy rất khó chịu và muốn xoay qua nói cho họ biết là họ quá ồn ào.

    Thích

Bình luận về bài viết này